Chinese Chess Masters 2

Hứa Ngân Xuyên – Đã thấy xuân về với gió đông


https://ducquoc.wordpress.com/2010/11/28/chinese-chess-masters/

(Các biệt danh của Hứa tiên sinh: Kim Cương bất hoại, Thiếu niên Khương Thái Công, Dịch Lâm đệ nhất nhân, 99 năm có 1 người)

Tiên sinh Hứa Ngân Xuyên (Xu Yin Chuan) sinh năm 1975 người huyện Huệ Lai tỉnh Quảng Đông. Thuở nhỏ được chính phụ thân dạy cờ nên khi mới ở độ tuổi thiếu niên đã sớm hiển lộ được tài năng xuất chúng và được bạn bè nể phục. Năm 12 tuổi tiên sinh được nhận vào đội tuyển cờ tướng của tỉnh Quảng Đông, nơi có truyền thống về kỳ nghệ mạnh nhất của quốc gia Trung Hoa. Tại đây, tiên sinh được huấn luyện trong 1 môi trường khắc nghiệt và đầy nghiêm ngặt. Chỉ 1 năm sau, ở tuổi 13 , cái tên Hứa Ngân Xuyên đã bắt đầu gây sóng gió và được giới hâm mộ cờ tướng chú ý nhiều hơn khi xuất sắc giành được ngôi quán quân giải vô địch cờ tướng thiếu niên toàn Trung Quốc. Kể từ đó, với sự tự tin cao độ từ thành tích đầu tiên đó, kỹ thuật chơi cờ của tiên sinh đã không ngừng tiến bộ 1 cách chóng mặt. Đến năm 17 tuổi công lực của Hứa Ngân Xuyên tiên sinh đã thâm hậu lắm rồi.

.

Lúc này ở Quảng Đông, đại kỳ sư Lữ Khâm (Lu Qin) đang là 1 ngôi sao sáng chói,là Tượng Kỳ Thiên Hạ Đệ Nhất Nhân. Sau thời kỳ của Cờ Ma Dương Quan Lân, vùng Hoa Nam mới có thêm 1 bậc kỳ vương thứ 2. Lữ đại sư trong những năm cuối cùng của thập kỷ 80 từ sau những thất bại xương máu của bản thân đã biết đúc rút ra nhiều kinh nghiệm chiến trường quan trọng nên đã sớm hoàn thiện trở thành 1 cao thủ tuyệt đỉnh và khó bị đánh bại nhất thời bấy giờ. Lối chơi cờ vốn đã linh hoạt, sắc sảo, đa dạng, đầy khí thế nay đã có thêm sự kiên trì, chắc chắn, chặt chẽ hơn rất nhiều trong giai đoạn cờ tàn đã khiến Lữ gần như trở thành nhân vật bất khả chiến bại trong làng cờ,góp mặt trong hầu hết những trận chiến tranh ngôi đỉnh cao nhất của cờ tướng. Dương Quan Lân rất khen ngợi Lữ về điều này bởi trước đây khi Lữ còn nhỏ tuổi theo học ông, ông đã từng khuyên Lữ nên từ bỏ lối chơi cảm tính và mãnh liệt của mình để chuyên tâm tu dưỡng học theo lối đánh chính thường “công chắc thủ vững, từng bước tiến lên” của cờ tướng Trung Hoa mà người đại diện tiêu biểu cho nó không ai khác lại chính là Dương Quan Lân – bậc thầy về tàn cuộc chiến pháp.

.

Lữ Khâm vươn lên đỉnh cao của cờ tướng Trung Quốc và mọi con mắt lại đổ dồn về Quảng Đông – vùng đất lâu đời, hội tụ tinh hoa nhân tài của cả miền Hoa Nam rộng lớn. Mỗi khi xuân về, giải đấu Ngũ Dương Bôi tranh ngôi bá chủ làng cờ lại được tổ chức và diễn ra hết sức hấp dẫn. Chính vì đây là 1 cuộc đấu cực kỳ gian khổ và khó khăn nên về sau nó dần dần trở lên nổi tiếng và được lan truyền đi rất xa vượt ra cả ngoài lãnh thổ Trung Hoa, trở thành 1 niềm tự hào của người dân Quảng Đông. Lúc này Hứa Ngân Xuyên mới chỉ là 1 cậu bé còn đang được dìu dắt thêm trong môi trường đào tạo kỳ thủ cao cấp của tỉnh. Trong suốt quãng thời gian này, không ai nghi ngờ về sức cờ của Tiểu Hứa nhưng để có thể vươn lên tầm như đại sư huynh Lữ Khâm của mình thì còn là 1 thách thức quá lớn đối với 1 cậu bé như Hứa. Trong quãng thời gian này, Lão kỳ vương Dương Quan Lân được giao trọng trách sẽ huấn luyện đặc biệt cho những thần đồng của Quảng Đông trước khi bắt đầu 1 kỳ vận hội quốc gia quan trọng trong đó có cả Hứa Ngân Xuyên tiên sinh.

.

Đấy chính là 1 cơ may lớn cho tiên sinh để có thể học hỏi hơn nữa nhiều kinh nghiệm thi đấu thực tiễn phong phú từ 1 cao thủ trứ danh hàng đầu. Nhờ có sự học hỏi, nghiên cứu 1 cách chuyên sâu và chuẩn mực hơn này mà phong cách kỳ nghệ của tiên sinh cũng bắt đầu được định hình ngay từ khi tiên sinh mới chỉ là 1 thanh niên trẻ tuổi lòng còn đầy những khát vọng và ước mơ. Dựa trên nền tảng về tư duy cờ tướng linh mẫn, tính cách điềm đạm và khá kín đáo của mình. Hứa Ngân Xuyên tuy còn rất trẻ nhưng chơi cờ lại đầy chiến lược, uyên thâm và vô cùng lão luyện. Nước cờ của tiên sinh rõ ràng, mạch lạc, tư duy nhanh nhạy, chặt chẽ nhưng cũng không kém phần tinh tế, sâu xa. Thiên hạ cho tiên sinh là xuất chúng gọi là Thiếu niên Khương Thái Công.

 

Năm 17 tuổi, tiên sinh có cuộc gặp gỡ với thiên tài Hồ Vinh Hoa. Hai người đã giao đấu 1 trận mang tính chất biểu diễn giao lưu. Tiên sinh được đi trước vào trận bằng Pháo đầu một cách mạnh mẽ. Hồ Vinh Hoa thấy tiên sinh còn trẻ,muốn thử, mới đem Uyên Uơng Pháo ra ứng chiến. Đây là 1 thế trận độc đáo dễ gây bất ngờ nhưng các kỳ thủ cao cấp thì không ưa dùng vì nó quá nguy hiểm. Hồ muốn xem kinh nghiệm của Tiểu Hứa đến đâu nên mới dùng cổ học mang ra áp dụng. Hứa thấy thế trận mềm yếu của Hồ, tâm can vững vàng, không chút bối rối chút, huy động toàn quân xông lên phá trận. Hồ bình tĩnh chống đỡ nhịp nhàng từng đường đi nước bước của Hứa . Trận chiến diễn ra càng ngày càng quyết liệt. Tiên sinh liên tục giành được ưu thế nhưng vì mong muốn chiến thắng áp đảo một cách vội vàng mà đã quá ư bảo thủ không chịu ăn quân muốn chính nhân đối kháng, quân tử đấu công với Hồ mới bị Hồ túm được sơ hở xuất thần chiêu liền 1 mạch là đánh thắng. Sau trận đấu, mặc dù chiến thắng nhưng Hồ lại đánh giá rất cao ván đấu này của tiên sinh. Một năm sau, năm 1993 tiên sinh đệ nhất kỳ phong, đánh đông dẹp bắc, đoạt được ngôi quán quân trong giải đấu cờ tướng toàn quốc, trở thành vị quán quân trẻ tuổi thứ 2 trong lịch sử sau Hồ Vinh Hoa. Năm đó tiên sinh chính thức gia nhập hàng ngũ các siêu kỳ thủ, được tấn phong danh hiệu Đặc Cấp Đại Sư và bắt đầu thời kỳ chiếm lĩnh đỉnh cao của thế giới kỳ nghệ bên cạnh đại sư huynh Lữ Khâm của mình.

http://www.01xq.com/e_game_view.asp?id=001013AFF6A50B
Kể từ khi Hứa Ngân Xuyên tiên sinh xuất hiện trên kỳ đàn vào những năm đầu của thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Đội cờ tướng Quảng Đông như hổ mọc thêm cánh. Đã có một Lữ Khâm kiệt xuất nay lại có thêm một Hứa Ngân Xuyên phi phàm. Tranh thủ lúc này khi các bậc kỳ vương khác người thì sa sút, người thì luống tuổi, Lữ – Hứa thay nhau thống trị làng cờ Trung Hoa. Hứa trẻ hơn Lữ tới 13 tuổi nhưng sức cờ thì cao kinh khủng đến Lữ còn phải ngán. Không những thế, dần dần tại những giải đấu đỉnh cao, các danh hiệu lớn có phần về tay Hứa tiên sinh nhiều hơn.

Sau khi giành được ngôi quán quân giải đấu toàn quốc năm 1993, chỉ mấy tháng sau trong lần đầu tiên được mời tham dự giải Ngũ Dương Bôi trên quê hương của mình (giải đấu quy định người tham dự phải từng đoạt ngôi quán quân toàn quốc mới đủ tư cách thi đấu ), Hứa Ngân Xuyên tiên sinh lần thứ 2 xuất diện uy phong, kỳ phong áp đảo quần hùng, đánh đến tận trận CK và đoạt luôn ngôi vô địch từ chính tay của sư huynh mình mà trong suốt 5 năm trời trước đó chưa từng có ai thực hiện nổi ! Năm đó tiên sinh mới chỉ 19 tuổi. Ba năm sau, năm 1996, một lần nữa tiên sinh đoạt được ngôi vị quán quân toàn quốc. Cùng thời điểm này, Lữ Khâm cũng lần thứ 3 trở thành nhà vô địch thế giới khi liên tiếp trong 2 năm 1995, 1997 xuất sắc không có đối thủ. Năm 1998, Hứa tiên sinh lại lần thứ 3 đăng quang. Một năm sau đó, năm 1999, khi sư huynh Lữ Khâm đã giành lại vinh dự đó thì tiên sinh cũng kịp trở thành nhà vô địch thế giới ở độ tuổi 24 khi giải đấu được tổ chức tại TP Thượng Hải. Liên tục trong suốt nhiều năm trời không Hứa thì Lữ làm cho Trung Quốc phải thất kinh bát đảo. Cả thiên hạ xem trọng, nể phục cả 2 người, xếp thành Lĩnh Nam Song Hùng, oai danh bao trùm cả nước. Sức cờ thì như sóng đổ, đánh đến đâu là thắng đến đó. Quảng Đông trở thành là kinh đô cờ tướng của cả Trung Hoa.

.
Mùa xuân năm 2002, sau khi giành ngôi quán quân toàn quốc lần thứ 4 trong sự nghiệp thi đấu của mình, Hứa Ngân Xuyên tiên sinh đã tham gia đoàn cờ tướng Trung Quốc sang thăm và thi đấu hữu nghị tại Việt Nam. Điểm đến là TP Hồ Chí Minh – trung tâm cờ tướng mạnh nhất nước ta và đã để lại rất nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng người hâm mộ. Năm 2006, sau khi lần thứ 5 trở thành quán quân của Trung Quốc, tiên sinh lần thứ 2 trở lại Việt Nam nhưng không phải là để tham quan, du lịch mà là cùng với Lữ Khâm, Lý Hồng Gia, Trần Phú Kiệt tham gia Giải VĐ cờ tướng đồng đội Châu Á lần thứ 14 được tổ chức tại TP Vũng Tàu. Tại giải lần này, kỳ nghệ xuất chúng của tiên sinh đã đóng góp phần lớn vào ngôi vị số 1 của cả đoàn Trung Quốc. Có lẽ rất ấn tượng với phong trào cờ tướng của Việt Nam ta mà chỉ sau đó 1 năm sau, Hứa tiên sinh nhận lời mời của LĐ cờ TP Hồ Chí Minh sang thăm Việt Nam lần thứ 3 đồng thời huấn luyện thêm cho đội tuyển cờ tướng của TP Hồ Chí Minh chuẩn bị cho giải đấu cờ tướng toàn quốc. Nghe nói trong lần sang thăm này, Hứa tiên sinh có thi đấu cờ tướng giao hữu tại 1 trung tâm thể thao cùng lúc với 15 cao thủ xuất sắc được chọn lựa kết quả tiên sinh chỉ để hoà đúng 1 trận còn đâu là toàn thắng, đủ thấy sức cờ của tiên sinh thật vô cùng đáng nể.

.
Kết thúc năm 2007, mặc dù trên bình diện quốc gia Trung Quốc, tiên sinh không gặt hái được nhiều thành công đáng kể. Tiên sinh bị bật ra tốp đầu tại giải đấu cờ tướng cá nhân toàn quốc nhưng không phải vì tiên sinh thua mà là do bị Vương Dược Phi ép hoà nên theo luật thì bị xử thua. Đội cờ tướng hùng hậu của tỉnh Quảng Đông nơi tiên sinh thi đấu cũng không giành được ngôi vô địch đồng đội toàn quốc như mong đợi dù cho xếp điểm cá nhân hết giải tiên sinh vẫn là số 1. Thất bại tại Trung Quốc, nhưng không vì thế Hứa Ngân Xuyên tiên sinh lại không thể thành công khi ra đấu trường quốc tế, bằng chứng là việc ghi dấu chiến tích lần thứ 3 lên ngôi vô địch thế giới sau khi xuất sắc không để thua 1 ván đấu nào trong suốt 9 ván của giải. Trong đó đáng chú ý nhất là 2 chiến thắng rất thuyết phục trước 2 cao thủ nhất, nhì của Việt Nam ta là Nguyễn Thành BảoNguyễn Vũ Quân. Vài ngày sau đó, tiên sinh tái lập 1 trận thắng quan trọng khác trước Nguyễn Vũ Quân để đoạt tấm HCV nội dung cờ cá nhân nam tiêu chuẩn tại đại hội Asian Indoor Games lần thứ 2, tổ chức tại Ma Cao – Trung Quốc khi mà cờ tướng lần đầu tiên chính thức được tranh tài. Hứa Ngân Xuyên cũng là người đầu tiên giành ngôi cao nhất khi cờ tướng được tổ chức thi đấu online giành giải thưởng tại cuộc thi World Master Cup lần thứ 1 được tổ chức tại Bắc Kinh năm 2005.

(Hứa Ngân Xuyên tiên thắng Triệu Quốc Vinh : http://www.dpxq.com/hldcg/search/view_m_29010.html )

.
Hứa Ngân Xuyên tiên sinh hiện là Tượng Kỳ đệ nhất quốc thủ của Trung Quốc, là người xếp hàng đầu tiên trong danh sách các siêu kỳ thủ cao cấp nhất của Trung Hoa đương đại. Năm nay tiên sinh mới 33 tuổi, đang ở độ tuổi chín chắn để hoàn thiện bản thân nhưng đã là 1 trong những đại diện ưu tú nhất của làng cờ trong suốt hơn 15 năm đã qua trên mọi bình diện thi đấu. Sau thời kỳ của Hồ Vinh Hoa và Lữ Khâm, đến lượt tiên sinh trở thành nhân vật đáng bái phục nhất, có lối chơi tiêu biểu và khó bị khắc chế nhất của kỳ nghệ Trung Hoa. Thế hệ kỳ thủ trẻ của Trung Quốc đang ngày một lớn mạnh thêm và dần dần tiến sát đến những đỉnh cao tưởng như không thể nào với tới nhưng nếu để so sánh với Hứa Ngân Xuyên tiên sinh thời còn trai trẻ chắc còn phải mất rất nhiều thời gian để chứng tỏ mình hơn nữa. Tháng 1 năm 2008, Hứa Ngân Xuyên bảo vệ thành công danh hiệu quán quân cúp Ngũ Dương lần thứ 28 với kỹ thuật chơi cờ toàn diện, công thủ trù tính cao siêu hơn người một bậc. Xem ra kỳ phong vẫn còn cực kỳ thâm hậu, chưa hề có dấu hiệu nào chứng tỏ tiên sinh sẽ phải dừng bước trong tương lai.

http://www.01xq.com/e_game_view.asp?id=0020104C8C0F1F

 

.

 

.

 

.

 

Hứa Ngân Xuyên – những ân tình

(ghi lại từ phỏng vấn 2006)

 

1/ Tình phụ tử

Hứa nói với phóng viên, người đầu tiên anh phải cảm ơn đó chính là bố anh.

Khi Hứa học lớp 5, đã từng viết bài văn về bố, bài văn này đoạt giải nhất trong cuộc thi của Sơn đầu. Bài văn viết: “Bố vì cuộc sống của cả nhà, ban ngày đưa em đi tìm người chơi cờ, buổi tối lại phải làm in ấn, thường làm rất khuya. Em, nằm ngủ trên giường, những khi giật mình tỉnh giấc, nghe tiếng bố ho, những đêm ấy em thường trắng đêm cùng bố…

Nhà Hứa có 6 người, ngoài anh còn có một anh trai, chị gái và một em gái. Bố anh là nghề in ấn. 6 người sống trong căn phòng hơn 10 m2, cảnh tượng này có lẽ nhiều người không tưởng tượng được. Ấn tượng sâu đậm nhất với Hứa đó là những ngày đông lạnh giá, bên ngoài trời rét như cắt, Hứa cùng anh trai cùng nằm chung trên một chiếc giường nhỏ, hai người tranh giành chăn, có một đêm chăn bị kéo đứt đoạn, không đủ che ấm cho bàn chân…

Với bố, Hứa là một đứa trẻ thông minh hiểu chuyện. Từ khi còn nhỏ Hứa đã đọc hết “Tùy đường diễn nghĩa”. Anh rất thích truyện này. Hứa cũng rất thích ngồi xem bố chơi cờ. Bố cũng thường đem Hứa đi khắp Sơn đầu chơi cờ. Có một chuyện làm bố anh mãi mãi không thể quên đó là: “ Vì nhà rất nghèo, có khi cơm cũng chẳng đủ, có một ngày bố anh đưa hai anh em đi trên phố, hai anh em nhìn thấy một quán bánh bao, dù đã đi qua nhưng hai người vẫn ngoái đầu nhìn lại. Bố quay lại muốn mua vài cái cho hai anh em, nhưng sau khi mua xong, đã không thấy bóng hai người đâu…”

Năm 12 tuổi Hứa gia nhập đội Quảng đông. Điều làm anh vui mừng đó là, do thành tích thi đấu tốt, anh có thể “tọa đài”: Mỗi tháng ở công viên văn hóa Quảng châu đều chơi hai bàn cờ, phí “trà nước” cho mỗi bàn là 4 tệ, Hứa đều để dành, mỗi khi tết đến anh đều đem hết về nhà

Một lần chú Hứa đến kỳ đội thăm Hứa, hôm đó là cuối tuần, trong căn phòng rộng lớn trống vắng chỉ một mình Hứa đang ngồi thẩm cờ. Khi về ông chú nói với bố, bố Hứa vô cùng đau xót. Và ông quyết lên thăm con. Nhưng từ quê đến Quảng châu mất hơn 10 tệ tiền xe, là số tiền mà ông dành dụm rất lâu mới có. Hai bố con gặp nhau bao vui vẻ. Ông còn nhớ rất rõ cảnh khi chia tay Hứa: Ông nói với Hứa, ông phải trở về nhà, nước mắt Hứa bỗng trào ra, nhưng Hứa khóc không thành tiếng, vì mười mấy người trong kỳ đội đang nhìn anh…

Hứa luôn thầm cảm ơn bố đã đưa anh đến với cờ. Với Hứa, chính những tiếng ho của bố lúc đêm khuya là động lực thôi thúc anh phấn đấu, nhất định anh phải thành công trên con đường đã chọn, để cho bố có một cuộc sống tốt hơn…

 

.

.

.

2/ Tình sư đồ

Người thứ hai Hứa phải cảm ơn đó chính là Trương Hán Cường – kỳ vương của Sơn đầu, đây là người đầu tiên Hứa bái làm thầy. Từ khi Hứa bắt đầu chơi cờ, rất nhanh Hứa đã đuổi kịp bố. Bố anh cảm thấy đã không còn có thể dạy anh, ông bèn tìm đến nhà Trương, xin Trương là thầy Hứa. Lần đầu tiên, Trương không đồng ý, bố Hứa lại đến lần hai, được biết từ Huệ an quê Hứa đến Sơn đầu có tới một trăm dặm đường, Trương rất cảm động. Trương đã tới Huệ an, muốn nhìn xem Hứa có xứng làm đồ đệ của mình không. Nhưng rốt cục điều làm Trương cảm động không phải là kỳ nghệ của Hứa, mà là bài văn đoạt giải kia. Trương nghĩ: “đứa trẻ có thể dạy dỗ”.

.

Trương để cho Hứa ở ngay tại nhà mình. Ông đưa ra quy định rất nghiêm khắc đối với Hứa: Mỗi sáng phải dậy từ 6h sáng chạy bộ, 8h học cờ, buổi chiều học cờ, chủ yếu là nhận sự khiêu chiến từ khắp nơi – đây có lẽ là một nếp truyền thống dân gian.

Có lẽ điều lưu lại sâu sắc trong ký ức của Hứa về thời thơ ấu đó là, những buổi chiều Trương chở Hứa trên chiếc xe cà tàng, đi khắp hang cùng ngõ hẽm, thọ giáo các “lục lâm hảo hán”, bọn họ đều là cao thủ. Mỗi ván cờ 10 tệ, vào những năm 80 đây tuyệt không phải là con số nhỏ. Nhưng bọn họ không không nhìn ra Hứa, bởi Hứa vẫn là một đứa trẻ con. Bọn họ nói, chơi một ván với cậu, chúng tôi đều phải hút thuốc, tiền thuốc ai trả? Hứa rất nghèo, thắng thua Trương phải gánh vác. Kết quả thế nào? Hứa thường làm Trương hài lòng mỗi khi ra về.

Hứa nói, sở dĩ anh có thể đứng vững ở đội Quảng Đông cao thủ nhiều vô kể, đầu tiên phải nói đến kinh nghiệm thực chiến của anh rất phong phú, bao gồm cả công phu tàn cục khi loạn chiến.

Năm 1993, Hứa 17 tuổi đoạt chức quán quân toàn quốc, anh không thất hứa: anh về quảng châu, cùng một người bạn bắt xe về Sơn đầu, đưa cúp vô địch tặng Trương.

.

.

.

 

3/ Tình chiến hữu

Người thứ 3 Hứa phải cảm ơn đó là Lữ Khâm. Hứa gia nhập đội Quảng đông năm 1987, khi đó Lữ Khâm đã là quán quân toàn quốc, đã có danh hiệu “Dương thành thiếu soái”. Hứa nói, đối diện với Lữ, Lữ cao to như một ngọn núi, nhưng tôi quyết tâm vượt qua ngọn núi đó.

Để vượt qua ngọn núi đó, Hứa mất 6 năm ròng. Luận “bối phận” Lữ không chỉ là sư huynh, mà còn là sư phụ của Hứa- vì khi đó Lữ còn kiêm nhiệm chức huấn luyện; Trong giới cờ, Lữ đã trở thành đối thủ chính của Hứa. “trong giải cá nhân hay các giải khác, trong các trận quyết chiến tôi thường gặp Lữ ca. Và gay go nhất là, lãnh đội luôn sắp xếp chúng tôi cùng phòng”.

“Như thế có gì không thỏa đáng?”. “haizz, kỳ thủ trước quyết đấu một ngày đều ngồi thẩm cờ của đối thủ, nghiên cứu cách đối phó. Nhưng, bạn nghĩ xem, đối thủ lại ngồi ngay trước mặt mình, bạn làm sao có thể bày cờ ra!”.

.
Trong một giải đấu ở Thượng hải năm 1997, Hứa, Lữ gặp phải cảnh này. Ăn tối xong, hai người trở về phòng, về giường nằm, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ.

“khi đó anh nghĩ gì?”. “tôi nghĩ về đối thủ- nghĩ về những đối cục của Lữ ca” Hứa cười khổ trả lời. Có lúc ánh mắt hai người không hẹn mà gặp, nhưng lập tức lại tránh đi, vài giờ trôi đi, Lữ ca đứng dậy bước đi, ánh mắt Hứa vẫn dõi theo bóng Lữ, hồi sau Lữ mang về hai cốc trà, một cốc đưa cho Hứa… “Mọi người thường hiểu lầm: cho rằng giữa tôi và Lữ ca thường có chuyện nhường cờ- không có chuyện này, trước nay tôi với Lữ ca trong giải đấu đều tận lực chiến đấu”.
Dù mấy năm gần đây, Hứa vô địch nhiều hơn Lữ, nhưng tận đáy lòng Hứa, anh vẫn mãi cảm ơn Lữ. Mỗi lần lên nhận giải Hứa đều vui vẻ nói với Lữ: “Cám ơn huynh!”, và Lữ luôn nói với sư đệ “người một nhà, đừng nói vậy”.
Nếu có chút gì đó “lăn tăn” trong lòng Hứa, có lẽ phải nói tới hai người: Hà bắc Diêm Văn Thanh và Hồ bắc Hồ Minh. Chuyên gia bố cục Diêm Văn Thanh kiêu dũng thiện chiến, Hồ Minh là quán quân toàn quốc, mi thanh mục tú, thường làm người dẫn chương trình của tiết mục cờ trên truyền hình trung ương. Diêm, Hồ yêu nhau đã lâu, nhiều năm trước Hồ có nói: “đợi khi anh vô địch toàn quốc chúng ta sẽ kết hôn”. Nhưng, trong giải toàn quốc năm 1993, Diêm bị Hứa phế pháo nhập cục, phải cởi giáp quy hàng, đến nay Diêm vẫn vô duyên với danh hiệu quán quân.

Thảm nhất là ở giải cá nhân năm 1998, Diêm một ngựa băng băng về đích, đến vòng cuối Diêm lại gặp Hứa, ván này Diêm chỉ cần hòa là vô địch. Trước ngày quyết chiến, Diêm gặp ai cũng cười rất tươi, giống như chú rể trong ngày cưới. Với Hứa mà nói, phải thắng Diêm là điều không nỡ, bởi bảy, tám năm nay Diêm vẫn theo đuổi giấc mộng “đề tên bảng vàng, đón mỹ nhân về”. Và càng không nỡ là, xuân thì có hạn, khi ấy Hồ cũng đã 27, 28. Lần này, là cơ hội rất tốt của hai người họ, bỏ lỡ cơ hội này, không biết lại phải chờ đến năm nào, tháng nào. Nhưng kết quả thật tàn khốc, Hứa thắng Diêm thua.

.

Có lẽ suốt đời Hứa không thể quên được ánh mắt của Hồ Minh nhìn mình khi ván cờ kết thúc. Dường như lúc ấy, Hồ chỉ mong Hứa biến mất khỏi cuộc đời này. Đến nay, hai người bọn Họ vẫn chưa kết hôn. Và càng đau khổ hơn khi chúng tôi lại là những người bạn thân của nhau.

.

.

.

 

4/ Tình nhi nữ

Một người là “thiếu niên Khương Thái Công” lừng danh kỳ đàn. Một người thông minh, hiền thục, là người con gái phương nam điển hình. Hai người họ đã viết nên một câu chuyện tình lãng mạn trên kỳ đàn Trung hoa…
Một đêm hè năm 1997, đội cờ chỉ còn lại hai người Hứa, Văn. Hứa vẫn chuyên tâm nghiên cứu cờ, Văn Tịnh lặng lẽ đến sau anh, chìa ra một mẩu giấy nhỏ, Hứa ngước mắt nhìn, một dòng chữ nhỏ hiện ra: “Anh thích em phải không”, Hứa ngây người hồi lâu, không biết trả lời thế nào. Lúc ấy, phía sau một tiến “hù” vang lên, Văn Tịnh đã đứng dậy, như một cơn gió chạy đi. Nhìn theo bóng dáng tất tả của Văn Tịnh, Hứa đột nhiên tỉnh ngộ…

Hai ngày sau, khi đội cờ đã luyện tập xong, lúc sắp đi, Hứa khẽ nói với Văn Tịnh: “đêm nay gặp nhau ở sân bóng”. Đôi mắt to của Văn Tịnh thoáng chốc như có ánh cầu vồng, khuôn mặt cô ửng đỏ. Đêm ấy, trong ánh trăng mông lung của Dương Thành….

 

.

Với Hứa, trong cuộc sống Văn Tịnh và cờ bên nào quan trọng hơn? “với tư cách là kỳ thủ, tôi cho rằng mình đã “chín” từ lâu, đặc biệt sau một trận ốm mấy năm trước, nhiều chuyện tôi đều “không may”. Chơi cờ là một phần quan trọng nhất trong cuộc đời tôi, nhưng đam mê cuối cùng chỉ là đam mê, tôi phải hiểu rõ một điều rằng, một người rồi cũng phải tìm một nửa kia, không cần phải là ưu tú nhất nhưng phải thích hợp nhất. Tôi yêu Văn Tịnh, vì tôi cho rằng cô ấy rất hợp với tôi, tương lai tôi sẽ có một người vợ hiền”. Thật ra chuyện tình của chúng tôi chẳng phải mãnh liệt, cũng chẳng phải khắc cốt ghi tâm, tôi vốn dĩ là một người phàm, có được cũng là một cuộc sống bình thường.

.

Sau khi xác nhận quan hệ với Văn Tịnh, cuộc sống của Hứa bỗng chốc thay đổi: mỗi lần xuất ngoại thi đấu, Văn Tịnh đều tới phòng tôi chuẩn bị hành lý. Trước đêm thi đấu, Văn Tịnh sẽ gửi cho tôi một tin nhắn, dặn tôi ngủ sớm; buổi sáng hôm thi đấu, lại gọi điện thoại cho tôi kêu tôi dậy sớm. “Sự xuất hiện của cô ấy làm cuộc sống của tôi không chỉ thay đổi mà đi vào nề nếp, hơn nữa tinh thần của tôi cũng tốt lên. Những khi một mình nơi đất khách quê người, nhớ tới những chuyện ấy tôi đều cảm thấy rất ấm áp.” Hứa ngọt ngào nói.

Có một lần, Hứa tham gia giải quốc tế, Văn Tịnh đưa anh đến Thượng Hải. Đến vòng 5, Hứa gặp Ngô Quý Lâm, cuộc chiến kéo dài từ 8h sáng tới 3h chiều, theo quy định, ván cờ chưa xong, buổi trưa không được “phong” cờ, chính là nói, kỳ thủ cũng không được ăn trưa. Khi đó, những người khác đã đi ăn từ lâu, trong căn phòng thi đấu rộng lớn, chỉ có bọn họ vẫn chơi cờ. Văn Tịnh vẫn lặng lẽ đứng bên Hứa suốt 7 tiếng đồng hồ! Từ đó về sau, trong những cuộc chiến kéo dài, Hứa luôn cảm thấy có bóng dáng Văn Tịnh kề bên.

Không ít người nghe thấy tên “Hứa Ngân Xuyên” đều cho rằng anh sinh ở “Ngân Xuyên”, thật ra Hứa sinh ở Huệ lai- Quảng đông, chẳng liên quan gì tới thành phố Ngân xuyên. Chỉ là khi Hứa còn nhỏ, bố Hứa có đi xem một quẻ bói cho Hứa, nói rằng Hứa khi nhỏ phải “đứng tên” trong thành phố lớn, huyện Huệ lai chỉ là một địa phương nhỏ, thế là thay tên của anh bằng tên một thành phố lớn, vừa đúng lúc chọn được thành phố Ngân xuyên. Tháng 9 năm 2002, nhận lời mời của thành phố Ngây xuyên, hai người Hứa, Văn đã tới đây du lịch.

Nói ra thật xấu hổ, bình thường chúng tôi bận rộn luyện tập, thi đấu, không có thời gian đi chơi” Hứa nói. Năm 2001, khi được hỏi phải chăng Hứa đang cân nhắc chuyện kết hôn, khi ấy Hứa cười và nói “không muốn kết hôn sớm, vì kết hôn lấy đi rất nhiều sức lực của một người”, còn bây giờ khi được hỏi khi nào kết hôn, Hứa đã mau miệng: “nhanh thôi, trước mắt đang sửa sang nhà cửa”.

.

“Anh thấy Văn Tịnh có điểm nào tốt?” “Haizz, thứ nhất, cô ấy tốt hơn tôi, thứ hai, chúng tôi rất hiểu nhau không cần nhiều lời… nhất thời rất khó nói hết, tóm lại tính cách cô ấy rất tốt, rất vui vẻ, dễ hòa hợp, trong cuộc sống rất quan tâm tôi, thường nhắc nhở tôi, rất tinh tế”.

.
Thường Hạo của cờ vây sau khi kết hôn, sự nghiệp rơi vào cảnh khốn khó trước nay chưa từng có, Hứa không biết sẽ ra sao? “Đây là vấn đề khó nói, chìm nổi chắc chắn có, nhưng không phải do hôn nhân.” Hứa dứt khoát trả lời.

Mười năm trước tôi đoạt quán quân toàn quốc, đến nay tôi đã đoạt vài lần, nhưng vinh dự này giống như mây khói rồi cũng bay đi, nháy mắt đã xa ta. Cẩn thận nghĩ lại, thực ra trong 10 năm, cái tôi đoạt được lớn nhất không liên quan tới cờ, vì tôi gặp được Văn Tịnh.” Hứa nói.

 

 

./.

About DucQuoc.wordpress.com

A brother, husband and father...
This entry was posted in Feeling, Skill. Bookmark the permalink.

4 Responses to Chinese Chess Masters 2

  1. Pingback: Personal Review 2012 | DucQuoc's Blog

  2. Pingback: Abandoned children | DucQuoc's Blog

  3. Spot on with this write-up, I absolutely believe that this website needs far more attention.
    I’ll probably be returning to read through more, thanks for the info!
    streetdirectory

  4. Đằng sau mỗi sự thành công đều là khổ luyện và hậu phương vững chắc

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s